
Thuế đối ứng 46% từ Mỹ: Các phản ứng của doanh nghiệp Việt Nam
Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, ngay trong sáng ngày 3/4, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực đã gấp rút họp đánh giá và tìm cách ứng phó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Mức này nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 119,5 tỷ USD và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.
Trong đó dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Theo sau là mặt hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu...
Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam được cho là sẽ tác động không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ…
Doanh nghiệp họp khẩn đánh giá tình hình
Với doanh nghiệp trong ngành cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU, chiếm khoảng 40-50%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm số lượng không nhiều, trên dưới 9%.
Do đó, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa của Việt Nam xuất sang nước này sẽ ảnh hưởng không lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành. Đối với doanh nghiệp, giải pháp quan trọng lúc này là mở rộng thị trường.
Với doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, đại diện Tập đoàn FPT cho rằng sắc lệnh áp thuế của Tổng thống Donald Trump nhắm đến các ngành hàng như may mặc, linh kiện điện tử, thép... nhằm bảo hộ ngành công nghiệp Mỹ, không liên quan đến nhóm ngành dịch vụ.
"Nhìn xa hơn, dịch vụ công nghệ thông tin cũng sẽ không phải là lĩnh vực cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ. Bản thân các doanh nghiệp Mỹ thường lựa chọn dịch vụ thuê ngoài công nghệ thông tin để đảm bảo tối ưu chi phí. Do đó, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách áp thuế của Mỹ", đơn vị này nêu.
Xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 30-35% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean đánh giá mức thuế đối ứng của Mỹ 46% là vượt ngoài dự đoán của doanh nghiệp. "Việc Mỹ áp thuế với Việt Nam là điều mà doanh nghiệp đã tính toán từ trước và lên kế hoạch chuyển đổi thị trường, tuy nhiên điều bất ngờ là mức thuế có thể lên tới 46%", ông Việt nhìn nhận.
Trong sáng nay (3/4), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết đã họp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam để đánh giá tình hình và bàn các giải pháp. "Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đều bày tỏ sự lo lắng. Tuy nhiên, những thời điểm như này đòi hòi càng phải bình tĩnh", ông nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp dệt may này cho rằng chính sách thuế đối ứng cao của Tổng thống Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia (49%), Lào (48%) và Việt Nam (46%) nhằm kiểm soát hàng hóa Trung Quốc xuất sang quốc gia này. Theo đó, ông Việt cho rằng giải pháp trước mắt là cần làm rõ, minh bạch xuất xứ nguyên phụ liệu của hàng hóa xuất sang Mỹ. Từ đó, có thể thương lượng với quốc gia này.
"Bên cạnh đó, ngành dệt may tập trung đông lao động. Chính vì vậy, điều trăn trở lúc này là giải quyết ra sao với lực lượng lao động. Khi chuyển đổi thị trường, đặc thù của ngành dệt may mất tới 2-3 năm để thị trường đón nhận", ông nói thêm.
Dệt may là ngành chịu ảnh hưởng lớn khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang quốc gia này
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết sáng nay đã họp khẩn trao đổi với các hội viên về mức thuế mới của Mỹ cũng như đưa ra một số kiến nghị đề xuất. "Mức thuế này sẽ gây khó khăn cho dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lo lắng nhưng họ cũng tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ trao đổi đàm phán với phía Mỹ về chính sách thuế", ông Hồng nói.
Việt Nam cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết theo số liệu đánh giá, mức thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là khá cao so với các nước khác, nhất là các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia có cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo sắc lệnh áp thuế của Mỹ có một số hàng hóa sẽ không phải chịu mức thuế đối ứng bao gồm các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); các mặt hàng thép, nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; tất cả mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; vàng thỏi và năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.
Ông Hưng đánh giá sắc lệnh thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền đương nhiệm tập trung việc áp dụng các biện pháp thuế quan của Mỹ với mục đích giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại trong thời gian dài.
"Đây không còn chỉ là vấn đề kinh tế mà đã trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa đến an ninh và cuộc sống của người dân Mỹ. Các mức thuế này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách ứng xử không có đi có lại cơ bản được giải quyết hoặc giảm thiểu", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở Vườn hồng, bên trong Nhà Trắng ngày 2/4
Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá việc đối thoại các cấp giữa 2 nước gần đây đã cho thấy thiện chí của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thương mại công bằng, Việt Nam thể hiện là một đối tác thương mại có trách nhiệm với Mỹ và các nước. Những động thái của Việt Nam thời gian gần đây rất tích cực trong việc củng cố niềm tin và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
"Các nhóm hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động sau sắc lệnh áp thuế của Mỹ bao gồm thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, giấy bột giấy, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện, máy móc thiết bị, điện tử...", ông Hưng cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng Việt Nam cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), Hiệp định Thương mại song phương (BTA). Đồng thời cụ thể hóa việc tăng mở cửa thị trường, nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Ngoài ra, thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược mà phía Mỹ có lợi thế và Việt Nam có nhu cầu cũng như thị trường Mỹ có nhu cầu nhập khẩu. Qua đó tăng hàm lượng và tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm...
"Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, tận dụng các FTA Việt Nam đã ký kết với các nước, tạo đà và động lực tăng trưởng xuất khẩu", ông Hưng lưu ý.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho rằng, Tổng thống Trump coi mức thuế "có đi có lại" này là "hữu nghị", vì Mỹ mới chỉ áp 50% mức thuế tính theo một công thức khá phức tạp của Bộ Tài chính Mỹ, nhằm để lại "dư địa linh hoạt" cho đàm phán.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhận định công thức tính thuế dựa trên thâm hụt, tức chuyển từ thuế theo ngành sang quốc gia, dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương. Chính sách này phản ánh nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại, vốn đạt 1.200 tỷ USD năm 2024, nhằm tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu.
Vị đại sứ đánh giá chính sách thuế của Tổng thống Trump gây "sóng gió tức thì", với thị trường Mỹ, toàn cầu và Việt Nam phản ứng khác nhau. Diễn biến này cho thấy cả thách thức lẫn cơ hội, phụ thuộc vào khả năng đàm phán và điều chỉnh chiến lược kinh tế của các bên liên quan.
Nguồn: dantri.com.vn