Kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy Việt Nam

Ngày đăng: 15/01/2025 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Ngày 18/10/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy Việt Nam”.

TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã ban hành chủ trương, chính sách và quy định pháp luật để thúc đẩy xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam, nhiều chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch và đề án phát triển đã đưa kinh tế tuần hoàn trở thành một trong những định hướng để phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực, vùng, miền và địa phương. Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020 cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.

    Theo TS. Nguyễn Trung Thắng, ngành Giấy là một trong những ngành có tiềm năng lớn trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn. Giấy là một sản phẩm có thể tái chế nhiều lần và việc xây dựng hệ thống thu gom, tái chế giấy hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp cũng như giảm nhu cầu khai thác nguyên liệu thô. Trong thời gian qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp cùng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam thực hiện nhiều nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong thời gian vừa qua, đặc biệt tập trung vào các giải pháp tái chế, giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Những nghiên cứu này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp giấy mà còn hỗ trợ việc xây dựng chính sách phù hợp với định hướng của Chính phủ về chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, TS. Nguyễn Trung Thắng cho rằng, Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy Việt Nam” là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp và đối tác cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, cũng như thảo luận về những giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành Giấy tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

 

Khẳng định nền kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với tất cả các ngành công nghiệp, trong đó có ngành Giấy, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ TN&MT Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, với khả năng tái chế cao, ngành Giấy đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện những thay đổi cần thiết, giúp giảm thiểu tiêu hao tài nguyên, giảm phát thải và BVMT. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tích cực hoàn thiện và sửa đổi các quy định trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhằm cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn cho việc triển khai các quy định của Luật BVMT năm 2020. Các sửa đổi và bổ sung này không chỉ tạo ra khung pháp lý đồng bộ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và địa phương triển khai kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường vai trò của cơ chế EPR trong việc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên.

    Đánh giá thực trạng kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy tại các nước trên thế giới và Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn cho rằng, các mô hình tái chế giấy đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, đem lại những kết quả rất tích cực. Đây chính là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong ngành này. Tại Việt Nam, đến năm 2022, nước ta có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó 20 doanh nghiệp lớn đóng góp 65% sản lượng. Sản lượng toàn ngành đạt 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, trong đó giấy bao bì chiếm trên 80%. Giấy thu hồi, từ trong nước và nhập khẩu, vẫn là nguồn nguyên liệu chủ lực. Ngành Giấy được xem là hình mẫu lý tưởng cho kinh tế tuần hoàn khi gần như toàn bộ chất thải đều có thể được tái chế, tái sử dụng. Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới, ngành vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu bột giấy do chưa tận dụng hết tiềm năng nguồn nguyên liệu trong nước. Định hướng của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam về thiết kế sản phẩm từ bột giấy, giấy Tissie, giấy văn hóa (in, viết, photo) phát triển sản phẩm giấy có định lượng thấp với chất lượng cao, có độ trắng thấp phù hợp hoặc không tẩy trắng. Ngoài ra, về sản phẩm giấy bao bì công nghiệp sẽ hướng tới không tráng phủ hoặc trắng phủ nhẹ, hạn chế sử dụng giấy trắng phủ thay vào đó sẽ sử dụng thùng carton có độ bền cao. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và điện sinh khối, điện đồng phát trong quá trình sản xuất, giảm thiểu sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch; Giảm tiêu hao năng lượng (điện, hơi sấy) và nước sạch, giảm phát thải trong sản xuất; Tăng cường tỷ lệ thu gom và tái chế sản phẩm giấy đã qua sử dụng; Đầu tư cho phát triển bền vững và BVMT (ESG).

Một số sản phẩm thân thiện với môi trường từ giấy và bột giấy trưng bày tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện của một số các doanh nghiệp đã chia sẻ về chu trình tuần hoàn phát triển xanh, bền vững cũng như những kinh nghiệm thực tiễn, tối ưu hóa việc tuần hoàn, sử dụng chất thải và xử lý khí thải trong ngành Giấy cho phát điện lò hơi, kiểm kê khí nhà kính tích hợp ESG và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp sấy bùn, tái chế nước thải trong sản xuất giấy theo mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt là những định hướng rõ ràng về xây dựng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp.

Nguồn: scem.gov.vn 

Tin tức khác